Phân tích kết quả trúng thầu thuốc tại ba bệnh viện hạng đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai (BVBM), Bệnh viện Trung Ương Huế (BVTWH), Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR) năm 2021 cho thấy, 508 khoản mục thuốc trúng thầu tương ứng tổng giá trị 5.086.959 triệu đồng. Thuốc biệt dược gốc (BDG) với số khoản mục và tổng giá trị trúng thầu chiếm 20,9% và 35,2%. Không có sự chênh lệch giá các thuốc BDG trúng thầu giữa ba bệnh viện, giá BDG và generic nhóm 1 cùng hoạt chất, nồng độ hàm lượng, dạng bào chế có sự chênh lệch ở nhiều mức độ khác nhau, cao nhất là 16,1 lần. Khi thay thế BDG bằng generic nhóm 1 có cùng hoạt chất, nồng độ hàm lượng, dạng bào chế có trúng thầu 1 trong 3 bệnh viện, giá trị chênh lệch ghi nhận là 35.706 triệu đồng tỷ lệ chênh lệch 65,1% (95%CI: 50,4% - 79,9%).
Mục tiêu: Mô tả thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến thái độ về an toàn người bệnh (ATNB) của nhân viên y tế (NVYT) tại BVĐK Tỉnh Ninh Bình, năm 2021.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 343 NVYT được lựa chọn ngẫu nhiên, hiện đang làm việc trong BVĐK tỉnh Ninh Bình, từ tháng 11/2021 – 12/2021. Nghiên cứu sử dụng bộ thang đo SAQ phiên bản rút gọn năm 2006 của Đại học Texas được Việt hoá để đo lường thái độ ATNB. Nghiên cứ sử dụng OR, 95% CI để xác định mối liên quan giữa thái độ ATNB và một số yếu tố liên quan.
Kết quả: NVYT có tỷ lệ và điểm trung bình về thái độ ATNB cao nhất ở mục mục “Sự hài long công việc” (75,8%, 4,0 ± 0,6) và điều kiện làm việc (62,97%, 3,8 ± 0,6). Các NVYT có trình độ chuyên môn là sau đại học có điểm thái độ ATNB cao hơn gấp 6,8 lần (95% CI: 1,8 - 25,6) so với các đối tượng có trình độ chuyên môn là Đại học. Ngoài ra, NVYT tuyển dụng hợp động có thái độ ATNB cao hơn gấp 3,6 lần (95% CI: 1,4 - 9,2) so với NVYT thuộc biên chế.
Kết luận: Nghiên cứu đã chỉ ra Bệnh viện nên đào tạo liên tục để củng cố thái độ ATNB của NVYT, nhất là nhóm biên chế và có trình độ đại học.
Mục tiêu: 1.Mô tả nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ và sử dụng một số dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà của người bệnh UT tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội năm 2022 2.Phân tích mức sẵn sàng chi trả cho một số dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại nhà của người bệnh UT tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội năm 2022 và một số yếu tố liên quan. Đối tượng nghiên cứu là các người bệnh đồng ý tham gia vào nghiên cứu tại khoa Nội, Ngoại, Xạ trị thuộc BV Ung bướu HN. Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang.
Kết quả: Nhu cầu CSGN của đối tượng nghiên cứu về các hoạt động thường ngày là 16,8%, các vấn đề thể chất là 41,3%, vấn đề về tự chủ là 11,7%, vấn đề xã hội là 5,4%, vấn đề tâm lý là 29,3%, vấn đề tinh thần 15,5%, vấn đề tài chính 51,2%, nhu cầu cần thêm thông tin là 10,5%. Có thể thấy được đối tượng nghiên cứu có nhu cầu cần hỗ trợ nhiều nhất về tài chính và ít nhất là hỗ trợ về các nhu cầu xã hội. Tỉ lệ người bệnh cho rằng CSGN là rất cần thiết hoặc cần thiết đối với người bệnh UT chiếm 52,2%. Tỉ lệ người bệnh nhận thấy bản thân có nhu cầu CSGN tại nhà là 49,3%. Tình trạng việc làm, học vấn, tần suất khám sức khỏe định kỳ là những yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê với nhu cầu sử dụng dịch vụ CSGN tại nhà.Tỉ lệ sẵn sàng chi trả cho dịch vụ “Bác sĩ khám tại nhà” là 66,0% với mức giá sẵn sàng chi trả trung bình là 524.005 đồng. Các yếu tố làm tăng tỉ lệ và mức sẵn sàng chi trả cho dịch vụ Bác sĩ khám tại nhà có ý nghĩa thống kê qua mô hình hồi quy tuyến tính đa biến gồm: khoảng cách từ nhà đến viện lớn hơn 10km, 20% có thu nhập hộ gia đình trung bình/tháng cao nhất, đã từng sử dụng dịch vụ y tế tại nhà, đồng ý tham gia dịch vụ CSGN tại nhà, điều trị từ 2 phương pháp trở lên. Tỉ lệ sẵn sàng chi trả cho dịch vụ điều dưỡng thực hiện “Giảm đau tại nhà” là 72,4% với mức sẵn sàng chi trả trung bình là 441.206 đồng. Các yếu tố làm tăng tỉ lệ và mức sẵn sàng chi trả cho dịch vụ Giảm đau tại nhà có ý nghĩa thống kê thông qua mô hình hồi quy tuyến tính đa biến gồm: khoảng cách từ nhà đến viện lớn hơn 10km, 20% có thu nhập hộ gia đình trung bình/tháng cao nhất, đồng ý tham gia dịch vụ CSGN tại nhà, điều trị từ 2 phương pháp trở lên (p<0,05).
Phương pháp sinh có tầm quan trọng sống còn đối với sức khoẻ của cả mẹ và con. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát mong muốn lựa chọn phương pháp sinh con và so sánh với thực tế chỉ định sinh của các thai phụ đến khám thai tại Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, đồng thời tìm hiểu các yếu tố có liên quan đến các thai phụ có mong muốn sinh bằng phương pháp mổ lấy thai. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 262 phụ nữ có thai đến khám thai tại khoa Khám bệnh - Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau từ 01/01/2021 đến 31/01/2021. Phỏng vấn tại thời điểm khám thai và sau khi sinh thông qua bộ câu hỏi có cấu trúc. Kết quả: Tỷ lệ thai phụ mong muốn sinh bằng phương pháp mổ lấy thai là 85 (33,21%). Trong khi đó tỷ lệ mổ lấy thai thực tế là 124 (47,33%). Có một sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa mong muốn lựa chọn phương pháp sinh và thực tế chỉ định với p<0,01, OR = 2,94 (95%CI 1,72 – 5,25). Mong muốn mổ lấy thai của các thai phụ bị ảnh hưởng đáng kể bởi phương pháp sinh trước, số lần mang thai, đã được nhìn thấy cuộc sinh và có yếu tố thành viên trong gia đình từng mổ lấy thai (p<0,001). Kết luận: Tỷ lệ mong muốn mổ lấy thai cao ở các phụ nữ mang thai tại Cà Mau và có sự khác biệt với chỉ định sinh thực tế. Sự trải nghiệm của bản thân và người thân trong gia đình có ảnh hưởng đến mong muốn này. Các phương pháp tiếp cận tổng thể từ gia đình và gia tăng sự trải nghiệm tích cực tại cơ sở y tế nên được thực hiện để giảm bớt mong muốn lựa chọn sinh bằng phương pháp mổ lấy thai.
Mục tiêu: mô tả thực trạng hồ sơ bệnh án (HSBA) nội trú và một số yếu tố liên quan tại khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2021
Phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp định lượng và định tính, tại khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trên 300 HSBA ngẫu nhiên và 07 phỏng vấn sâu và 03 thảo luận nhóm với nhân viên y tế.
Kết quả: Tỉ lệ hồ sơ bệnh án ghi đạt của toàn bộ hồ sơ bệnh án là 74,7%. Yếu tố cá nhân là nhận thức của NVYT về HSBA ảnh hưởng đến ghi chép HSBA; Công tác kiểm tra, giám sát; công tác bình bệnh án; chưa tổ chức được các buổi tập huấn hay hướng dẫn công tác làm HSBA; chưa có các chế tài phù hợp. Yếu tố hạn chế được chỉ ra là lưu lượng người bệnh đông, nguồn nhân lực; phần hành chính trong HSBA.
Kết luận: Nghiên cứu chỉ ra được một số yếu tố ảnh hưởng đến việc ghi chép HSBA của NVYT
Trong những năm gần đây trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh tại các cơ sở y tế việc quản lý chất lượng bệnh viện đang là nhiệm vụ cấp thiết. Quản lý chất lượng trong công tác khám chữa bệnh nhằm đảm bảo cho người bệnh được chăm sóc và được sử dụng những dịch vụ y tế tốt nhất. Các bệnh viện sử dụng các phương thức, công cụ và mô hình quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng bệnh viện. Nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện Thanh Nhàn từ tháng 8- 12/2021 nhằm mô tả trải nghiệm của người bệnh điều trị nội trú. Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang, sử dụng nghiên cứu định lượng để phân tích các yếu tố liên quan. Số liệu được thu thập bằng phiếu phát vấn tự điền với 253 người bệnh có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đang nằm điều trị nội trú ở các khoa lâm sàng, nhập số liệu bằng phần mềm Epi Data 3.1, xử lý số liệu bằng phần mềm Stata 14.
Kết quả cho thấy Trải nghiệm chung của người bệnh theo 8 khía cạnh có tỷ lệ trải nghiệm tích cực đạt 71,6% với điểm trung bình trải nghiệm là 3,67. Trong các khía cạnh về trải nghiệm của bệnh viện, trải nghiệm của người bệnh về khía cạnh khi xuất viện có tỷ lệ trải nghiệm tích cực cao nhất đạt 95,5% với điểm trung bình 3,86 và thấp nhất là khía cạnh môi trường bệnh viện với tỷ lệ trải nghiệm tích cực đạt 27,1% với điểm trung bình là 3,67.
Các kết quả nghiên cứu là bằng chứng hữu ích để bệnh viện có hướng giải quyết để cải tiến chất lượng trong bệnh viện và đem đến sự hài lòng cho người bệnh.
- Mục tiêu: Mô tả trải nghiệm của người nhà bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình năm 2021. Phân tích một số yếu tố liên quan đến trải nghiệm của người nhà bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình năm 2021.
- Đối tượng: Người chăm sóc chính của bệnh nhi (người nhà bệnh nhi) điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng thuộc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình trong thời gian khảo sát.
- Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 245 người nhà bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 7/2021 đến tháng 04/2022. Nghiên cứu sử dụng bộ câu hỏi đánh giá trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ về các cơ sở y tế và hệ thống chăm sóc sức khoẻ (Consumer Assessment of Healthcare Providers and Systems – CAHPS) được phát triển bởi Cơ quan nghiên cứu chất lượng Y tế Mỹ (AHRQ).
- Kết quả: Đánh giá tổng thể về bệnh viện, tỷ lệ trải nghiệm tích cực của ngưười nhà bệnh nhi về bệnh viện đạt 54,7%. Kết quả phân tích cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ đánh giá trải nghiệm tích cực chung với một số yếu tố: bệnh đang điều trị, tình trạng sức khoẻ hiện tại của bệnh nhi, tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc tình cảm hiện tại của bệnh nhi.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang
có phân tích trên 250 người bệnh ngoại trú đến khám
chữa bệnh tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Bưu điện
cơ sở 1 năm 2020 nhằm mô tả sự hài lòng của người
bệnh ngoại trú và một số yếu tố liên quan. Kết quả
nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hài lòng chung của người
bệnh ngoại trú về chất lượng dịch vụ chăm sóc sức
khỏe tại Khoa khám bệnh là 80,4%. Trong đó, tỷ lệ
người bệnh hài lòng về công tác chăm sóc của điều
dưỡng là 84,4%; tỷ lệ người bệnh hài lòng về công tác
khám bệnh của bác sỹ là 83,6%; tỷ lệ người bệnh hài
lòng về thủ tục hành chính và khả năng tiếp cận là
78,0%; tỷ lệ người bệnh hài lòng về cơ sở vật chất, an
ninh trật tự là 75,6%. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra
rằng người bệnh dưới 60 tuổi có khả năng cảm thấy
hài lòng cao hơn gấp gần 21 lần so với người bệnh
trên 60 tuổi (OR=20,625; p<0,05) và người bệnh đến
khám từ lần thứ hai trở lên có khả năng cảm thấy hài
lòng cao hơn gấp 3 lần so với người bệnh đến khám
lần đầu (OR=3,450; p<0,05).
Mục tiêu nghiên cứu: mô tả thực trạng và một số yếu tố liên quan đến tai nạn thương tích của trẻ dưới 5 tuổi tại 3 xã huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội năm 2020. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 901 gia đình có trẻ dưới 5 tuổi tại 3 xã huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội năm 2020. Kết quả nghiên cứu: Về thực trạng: Tỷ lệ tai nạn thương tích là 14,77%. Đa số tai nạn thương tích ở trẻ 2 tuổi chiếm 40,53%. Nguyên nhân hàng đầu là do: Ngã/té (41,05%); vật sắt nhọn (14,74%) và bỏng (12,63%). Thời điểm trẻ hay xảy ra tai nạn thương tích chủ yếu từ 6 giờ đến 12 giờ (45,79%) và 12 giờ đến 18 giờ (34,74%). tai nạn thương tích là vô ý do bản thân trẻ tự gây ra chiếm 62,11%. 97,4% trẻ được sơ cứu trong vòng 30 phút sau khi xảy ra tai nạn. Về mối liên quan: Người chăm sóc trẻ có giới tính nam có nhiều nguy cơ khiến trẻ mắc tai nạn thương tích cao gấp 1,46 lần so với người chăm sóc trẻ là nữ. Người chăm sóc trẻ học hết bậc Đại học/ cao đẳng/ trung cấp có nguy cơ khiến trẻ mắc TNTT thấp hơn 8,85 lần so với người dân không được đi học (OR: 8,85, 95%CI: 1,92 – 40,88). Trẻ nam có nguy cơ mắc TNTT cao gấp 1,47 lần so với trẻ nữ (OR:1,47, 95%CI: 1,08 – 2,00), mối liên quan có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết luận: Tỷ lệ tai nạn thương tích còn khá cao 14,77%, đa số các trẻ bị tai nạn thương tích do bản thân gây ra vào thời điểm ít có người chăm sóc tại nhà. Trình độ học vấn, giới của người chăm sóc, giới của trẻ có mối liên quan đến nguy cơ tai nạn thương tích.
1.Tên đề tài: Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến việc sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục trong nhóm nam quan hệ đồng giới tại Hà Nội năm 2018 – 2019
2. Mục tiêu:
- Mô tả thực trạng sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục trong nhóm nam quan hệ đồng giới tại Hà Nội năm 2018 – 2019.
- Phân tích một số yếu tố liên quan tới việc sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục trong nhóm đối tượng nghiên cứu nói trên.
3. Đối tượng:
Những nam có quan hệ tình dục với nam, hiện đang sống tại Hà Nội và đáp ứng các tiêu chuẩn của nghiên cứu HIM – HanoiI (vòng điều tra ban đầu) được thu nhận bằng hình thức tiếp cận Internet vào nghiên cứu.
Tiêu chuẩn thu nhận:
- Công dân Việt Nam
- Giới tính khi sinh là nam
- Từ 16 tuổi trở lên
- Hiện đang sống Hà Nội trong thời gian ít nhất là 3 tháng và không có kế hoạch thay đổi nơi sống trong 2 năm tới
- Có quan hệ tình dục đường miệng hoặc hậu môn với nam giới hoặc người chuyển giới nữ trong vòng 12 tháng qua
- Đồng ý và ký thỏa thuận tham gia nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu mô tả cắt ngang lấy số liệu của vòng điều tra ban đầu của nghiên cứu thuần tập HIM – Hanoi
5. Kết quả chính:
Tỷ lệ tham gia sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục là 22,0%. Tỷ lệ sử dụng ATS để tăng khoái cảm tình dục là 6,8%. Tỷ lệ quan hệ tình dục tập thể có sử dụng chất kích thích là 6,1%.
Nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố liên quan tới việc tham gia sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục trong nhóm nam quan hệ đồng giới bao gồm: thời gian sinh sống tại hà nội, số lượng bạn tình trong 1 tháng qua, tình trạng nhiễm HIV, đã từng xét nghiệm HIV trước đây và việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò để tìm kiếm bạn tình trong 6 tháng qua.
I. Mục tiêu nghiên cứu:
1. Mô tả đánh giá của sinh viên về một số yếu tố môi trường học tập của sinh viên năm 6 ngành bác sĩ Y khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2021-2022.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến đánh giá của sinh viên năm 6 ngành bác sĩ Y khoa về môi trường học tập tại Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2021-2022.
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên sinh viên Y khoa năm 6 năm học 2021 - 2022
2.2. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
- Địa điểm: Trường ĐHYHN số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
- Thời gian: Tháng 05 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 trong đó thời gian thu thập số liệu từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021.
2.3. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
2.4. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
2.4.1. Cỡ mẫu
Chọn toàn bộ sinh viên đang học năm thứ 6 (năm học 2021-2022) hệ đào tạo bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là đối tượng chuẩn bị tốt nghiệp đã được học hơn 90% các môn học trong chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa (từ các môn cơ sở, chuyên ngành, học trên giảng đường, bệnh viện và thực tế cộng đồng). Đã có 439 sinh viên Y khoa năm thứ 6 năm học 2021 – 2022 tham gia nghiên cứu.
2.4.2. Phương pháp chọn mẫu
Nghiên cứu này chúng tôi lựa chọn phương pháp chọn mẫu chủ đích. Chọn toàn bộ sinh viên Y6 chuyên ngành bác sĩ Y khoa của năm học 2021- 2022.
III. Kết quả
1. Đánh giá của sinh viên Y6 hệ bác sĩ đa khoa về môi trường học tập tại trường Đại học Y Hà Nội năm 2021-2022:
- Sinh viên năm cuối hệ bác sĩ đa khoa đánh giá môi trường học tập thiên về tích cực nhiều hơn với tổng điểm là 128,23/200.
- Đánh giá của sinh viên về giảng viên được sinh viên đánh giá cao nhất 32,03/44 điểm (72,8%). Tiểu mục được sinh viên đánh giá cao nhất “Q2.Giảng viên có trình độ và hiểu biết” và tiểu mục được sinh viên đánh giá thấp nhất “Q39.Giảng viên cáu, quát mắng sinh viên trong giờ giảng lý thuyết hoặc lâm sàng*.”
- Đánh giá của sinh viên về học tập được sinh viên đánh giá cao thứ hai 30,2/48 điểm (63,1%). Tiểu mục được sinh viên đánh giá cao nhất “Q47.Mục tiêu các môn học giúp tôi hoàn thành mục tiêu học tập của toàn khóa học” và tiểu mục được sinh viên đánh giá thấp nhất “Q25.Giảng viên dành nhiều thời gian cho giảng dạy lý thuyết hơn giảng dạy lâm sàng, thực hành”.
- Đứng thứ 3 là đánh giá của sinh viên trong học tập với 19,68/48 điểm (61,5%). Tiểu mục được sinh viên đánh giá cao nhất “Q45.Phần lớn bài học có liên quan đến phát triển nghề nghiệp của tôi.” Tiểu mục được sinh viên đánh giá thấp nhất “Q27.Tôi có khả năng ghi nhớ được tất cả những gì tôi cần”.
- Cấu phần đánh giá của sinh viên về không khí học tập cũng được sinh viên đánh giá ngang điểm với cầu phần đánh giá của sinh viên trong học tập với 29,52/48 điểm (61.5%). Tiểu mục được sinh viên đánh giá cao nhất “Q17.Gian lận là một vấn đề của trường”. Tiểu mục được sinh viên đánh giá thấp nhất “Q35.Tôi có những trải nghiệm học tập đáng thất vọng trong khóa học này”.
- Cấu phần được đánh giá thấp điểm nhất là đánh giá của của sinh viên về môi trường xã hội với 16,72/28 điểm (59,7%). Trong đó tiểu mục được sinh viên đánh giá cao nhất “Q15.Tôi có nhiều bạn bè tốt trong khóa học này”. Tiểu mục được sinh viên đánh giá thấp nhất “Q28.Tôi hiếm khi cảm thấy đơn độc trong khóa học này”
2. Mối liên quan đến môi trường học tập.
- Những sinh viên đánh giá mức độ yêu nghề y cao hơn 1 điểm có đánh giá môi trường học tập cao gấp 2,2 lần so với những sinh viên khác.
- Những sinh viên có điều kiện kinh tế bình thường đánh giá môi trường học tập cao gấp 12 lần so với những sinh viên hộ nghèo và cận nghèo.
Mục tiêu: 1. Mô tả thái độ về học kỹ năng giao tiếp của sinh viên năm thứ nhất ngành bác sĩ y khoa của Trường Đại Học Y Hà Nội năm học 2020 - 2021.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến thái độ về học kỹ năng giao tiếp của sinh viên năm thứ nhất ngành bác sĩ y khoa của Trường Đại Học Y Hà Nội năm học 2020 – 2021.
Đối tượng : Nghiên cứu được thực hiện trên sinh viên năm thứ nhất hệ bác sĩ y khoa năm học 2020-2021 tại trường Đại học Y Hà Nội.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Kết quả chính:
1. Thái độ về học kỹ năng giao tiếp của sinh viên năm thứ nhất ngành bác sĩ y khoa Trường Đại Học Y Hà Nội năm học 2020 - 2021.
Sinh viên năm nhất của hệ bác sĩ đa khoa đại học Y Hà Nội có thái độ tích cực về học kỹ năng giao tiếp hơn là thái độ tiêu cực.
Thái độ tích cực về học kỹ năng giao tiếp của sinh viên năm nhất là cao đạt 49,7 điểm/ 65 điểm. Điểm trung bình tiểu mục cao nhất về vai trò và tầm quan trọng của học kỹ năng giao tiếp như “Phát triển KNGT của tôi cũng quan trọng như phát triển kiến thức của tôi về y học”, “học KNGT rất quan trọng vì khả năng giao tiếp là một kỹ năng suốt đời”, “tôi nghĩ rằng học KNGT rất hữu ích cho tấm bằng y khoa của mình”, hay “học kỹ năng giao tiếp đã và sẽ giúp tôi tôn trọng bệnh nhân”. Điểm đánh giá thấp nhất về học kỹ năng giao tiếp vui và thú vị.
Thái độ tiêu cực về học kỹ năng giao tiếp của sinh viên năm nhất là thấp, đạt 31,8 điểm trên 65 điểm. Điểm trung bình tiểu mục đồng ý cao nhất là“Việc giảng dạy KNGT sẽ mang hình ảnh tốt đẹp hơn nếu nó giống một môn khoa học hơn”. Điểm trung bình tiểu mục không đồng ý nhất là “Tôi không hiểu học KNGT để làm gì”; “Tôi không cần KNGT giỏi để trở thành bác sĩ”
2. Một số yếu tố liên quan đến thái độ về học kỹ năng giao tiếp của sinh viên năm thứ nhất ngành bác sĩ y khoa Trường Đại Học Y Hà Nội năm học 2020 – 2021.
Yếu tố liên quan đến thái độ tích cực về học KNGT: bố là bác sĩ, phương pháp đóng vai phù hợp để dạy KNGT, nội dung giảng dạy KNGT hấp dẫn, và sinh viên có bố mẹ và người thân cho rằng học KNGT là cần thiết.
Yếu tố liên quan đến thái độ tiêu cực về học KNGT: phương pháp đóng vai không phù hợp để dạy KNGT, nội dung giảng dạy KNGT không hấp dẫn, và bản thân sinh viên không cho rằng KNGT là cần thiết.
Mục tiêu:
- Mô tả thực trạng hệ thống các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 khu vực miền Bắc Việt Nam, năm 2021.
- Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tới khả năng xét nghiệm đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 khu vực miền Bắc Việt Nam, năm 2021.
Đối tượng: các đơn vị xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 toàn miền Bắc
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích. Thực hiện đánh giá trên toàn bộ hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định tại miền Bắc. Danh sách các đơn vị đánh giá được lấy tại trang web của Bộ Y tế, các Sở y tế. Tính tới thời điểm đánh giá tổng số có 139 đơn vị được chọn vào nghiên cứu.
Kết quả:
- Hầu hết các đơn vị có đủ nhân lực tham gia thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho SARS-CoV-2 (trung bình 10 cán bộ) trong đó cán bộ bậc đại học chiếm tỷ lệ cao (49.1%).
- Phần nhiều đơn vị xét nghiệm sinh học phân tử này đều mới thành lập và chuẩn hoá từ các phòng xét nghiệm vi sinh nên tỷ lệ thành thạo xét nghiệm ở mức thấp. Các trung tâm kiểm soát bệnh tật là nhóm các đơn vị thực hiện nhiều xét nghiệm SARS-CoV-2 nhất. 100% các đơn vị xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 đều thực hiện xét nghiệm mẫu đơn và mẫu gộp 2-5 mẫu trên một ống xét nghiệm.
- Nhóm các đơn vị tư và trung tâm y tế huyện có đủ về 9/9 loại trang thiết bị phục vụ xét nghiệm RT-PCR. Vẫn còn 1 tỷ lệ nhỏ các đơn vị khác thiếu một số loại trang thiết bị, trong đó máy tách chiết ở khối Viện nghiên cứu/trường đại học chỉ đạt dưới 50% số đơn vị có đủ. Tỷ lệ thực hiện bảo dưỡng/hiệu chuẩn TTB định kỳ chung cho toàn đơn vị chỉ đạt mức thấp.
- Các đơn vị sử dụng trung bình khoảng 2 loại sinh phẩm tách chiết và 3 loại sinh phẩm PCR. Tỷ lệ thiếu hụt sinh phẩm nhiều nhất ở bệnh viện công và CDC.
- Tất cả các đơn vị tham gia đánh giá phần lớn đạt ATSH cấp II trong năm 2020-2021. Tỷ lệ sửa chữa cơ sở vật chất sau công bố phòng ATSH cấp II khá cao, chủ yếu là ở nhóm bệnh viện công lập và trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
- Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả các đơn vị xét nghiệm khẳng định miền Bắc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nội tại trong tự thân của đơn vị như số lượng nguồn nhân lực trực tiếp làm xét nghiệm (p= 0.003. r= 0.29), số lượng trang thiết bị chuyên dụng là máy tách chiết (p= 0.001. r= 0.31), máy xét nghiệm PCR (p= 0.00. r= 0.38). Đây là mối tương thuận biến ở mức quan trung bình.
- Công suất xét nghiệm tối đa của các đơn vị xét nghiệm khẳng định miền Bắc cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai như chính sách, kinh phí, chức năng nhiệm vụ được giao, số lượng các đơn vị xét nghiệm trong tỉnh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO Report 2020 - Global Tuberculosis Control), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. TCYTTG ước tính năm 2019 trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người hiện mắc lao, một con số đã giảm rất chậm trong những năm gần đây; 8,2% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,2 triệu người tử vong do lao và khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV. Số tử vong này làm cho lao là một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Năm 2019 trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,3% trong số bệnh nhân mới và là 17,7% trong số bệnh nhân điều trị lại1
Xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung vẫn đang có chiều hướng giảm, nhưng chưa đủ để đạt được mục tiêu đã đặt ra vào năm 2020 là giảm 20% so với năm 2015. Tỷ lệ giảm trong giai đoạn 2015 đến 2019 là khoảng 9%, với tỷ lệ mới mắc giảm khoảng 2,3%/năm trong giai đoạn 2018-2019. Tương tự, tỷ lệ tử vong do lao cũng đang giảm trên toàn cầu, nhưng chưa thể đạt mục tiêu đặt ra vào năm 2020 là giảm 35% trong giai đoạn 2015 - 2020. Tỷ lệ tử vong giảm trong 2 năm 2018 - 2019 là khoảng 14%.1
Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1986 và xây dựng chiến lược DOTS (về điều trị có kiểm soát trực tiếp) được áp dụng từ năm 1992. Kể từ năm 1998, chương trình Phòng chống lao Quốc gia Việt Nam là một trong những chương trình thành công nhất về kết quả điều trị, với tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao AFB (+) mới liên tục đạt trên 90%. Mặc dù đạt được kết quả này nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới Việt Nam có khoảng 170.000 ca lao mắc mới mỗi năm (176/100.000). Trong đó tỷ lệ kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới là 3,6%, trong nhóm bệnh nhân điều trị lại khoảng 17%2
Mặc dù, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ bệnh nhân lao như miễn phí thuốc điều trị3, tuy nhiên người bệnh vẫn còn gặp phải một số các rào cản trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh, bao gồm chi trả thêm các chi phí liên quan đến dịch vụ y tế, chi phí đi lại, nơi ở, thực phẩm, giảm thu nhập, năng suất và thời gian. Theo một nghiên cứu về chi phí của bệnh nhân lao tại ba nước: Ghana, Cộng hoà Dominica và Việt Nam, đã chỉ ra rằng có 27% bệnh nhân tại Việt Nam phải nghỉ việc trong quá trình điều trị và chi tiêu hộ gia đình tăng thêm do tăng chi phí thực phẩm và chăm sóc sức khoẻ lên đến 50%4. Trong một nghiên cứu tổng quan được công bố năm 2019 TS. Võ Xuân Nam và cộng sự đã Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao đa kháng thuốc và tiền siêu/siêu kháng thuốc. Kết quả cho thấy chất lượng cuộc sống các bệnh nhân mắc bệnh lao bị ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ bởi tình trạng bệnh tật mà còn bởi áp lực kinh tế cũng như áp lực từ cộng đồng. Các bệnh nhân lao kháng thuốc sau khi được điều trị khỏi vẫn còn để lại những di chứng nặng nề về mặt thể chất cũng như tâm lý xã hội3. Ngoài gánh nặng về tiền bạc và thể chất bệnh nhân lao còn chịu thêm gánh nặng về tinh thần. Bệnh lao kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn ảnh hướng tới thể chất, tình cảm và nhu cầu xã hội. Thành phố Hà Nội là tỉnh có số bệnh nhân lao kháng thuốc cao thứ 4 trong các tỉnh miền Bắc và số bệnh nhân lao đa kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng qua các năm2. Do vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu về Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao kháng đa thuốc với 2 mục tiêu chính:
1. Mô tả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại Hà Nội năm 2021.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại Hà Nội năm 2021
Mục tiêu: Mô tả thực trạng báo cáo trực tuyến và phân tích một số yếu tố liên quan đến chất lượng báo cáo trường hợp bệnh hai bệnh truyền nhiễm COVID-19 và Viêm não vi rút tại tỉnh Nghệ An năm 2020 - 2021. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang; 72 cán bộ y tế tại 21 Trung tâm y tế và 15 Bệnh viện công lập tham gia công tác báo cáo Bệnh truyền nhiễm được phỏng vấn định tính và định lượng về các yếu tố: tổ chức nhân sự, công tác chỉ đạo, trang thiết bị và hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm; Tại các Bệnh viện, đánh giá chất lượng hồ sơ bệnh án về các trường hợp bệnh truyền nhiễm của 02 bệnh COVID-19 và Viêm não vi rút năm 2020 – 2021. Kết quả nghiên cứu: 100% đơn vị Trung tâm Y tế tuyến huyện có quy trình báo cáo, 33,3% tuyến bệnh viện không có quy trình báo cáo. 52,3% đơn vị trung tâm Y tế huyện có thực hiện phản hồi các thông tin sai lệch cho tuyến trên.Về chất lượng báo cáo trường hợp bệnh tại các bệnh viện: 82,8% báo cáo trường hợp bệnh Viêm não vi rút và 79,3% báo cáo trường hợp bệnh COVID-19 có chất lượng Đạt; Có mối liên quan và có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ đơn vị có chất lượng báo cáo đạt với tuổi và học vấn của cán bộ chuyên trách thực hiện báo cáo tại đơn vị. Tỷ lệ này cao hơn ở nhóm cán bộ có độ tuổi dưới 40 tuổi và nhóm cán bộ có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên (p<0,05); chưa tìm thấy mối liên quan giữa nhóm đơn vị có sự kiểm tra, giám sát hỗ trợ của tuyến trên, có cán bộ chuyên trách thực hiện báo cáo với chất lượng báo cáo (p>0,05). Kết luận: Các đơn vị Y tế công lập cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Thông tư 54/2015/TT-BYT, nhất là việc quản lý chất lượng số liệu báo cáo, cập nhật, phản hồi thông tin báo cáo trường hợp bệnh. Có mối liên quan giữa độ tuổi, trình độ chuyên môn của cán bộ với chất lượng báo cáo. Không có mối liên quan giữa đơn vị có sự kiểm tra giám sát và cán bộ chuyên trách với chất lượng báo cáo.
Mục tiêu: Tổng quan thưc trạng mắc trầm cảm ở cán bộ y tế và một số yếu tố ảnh hưởng đến trầm cảm ở cán bộ y tế. Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu tổng quan. Kết quả: 27 bài báo được chọn đưa vào nghiên cứu phân tích tổng hợp. Tỷ lệ trầm cảm ở cán bộ y tế cao nhất là 77,6% và thấp nhất là 10,9%. Các yếu tố ảnh hưởng chính làm tăng tỷ lệ trầm cảm như: hút thuốc lá, số giờ làm việc trên 70 giờ/tuần, giới tính nữ, số giờ ngủ ít hơn 6-7h/ngày, làm việc tại các khoa đặc thù… Các yếu tố ảnh hưởng giúp làm giảm tỷ lệ trầm cảm: hoạt động thể thao, tự chủ trong công việc và quan tâm đến nghề. Kết luận: Tình trạng trầm cảm ở nhân viên y tế hiện nay trên thế giới và Việt Nam đều đáng báo động, Các đơn vị ngành y tế cần quan tâm hơn đến thực trạng trầm cảm của nhân viên y tế để thiết lập hệ thống giảm áp lực công việc, tạo môi trường làm việc thuận lợi, hỗ trợ, cố vấn chuyên môn giúp phục hồi sức khỏe tinh thần cho họ.
Từ khoá: Cán bộ y tế, trầm cảm, yếu tố ảnh hưởng, 2010-2019
Sinh viên Phân hiệu trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh hóa là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus Viêm gan B thông qua các hoạt động thực hành nghề nghiệp tại bệnh viện. Họ là những nhân viên y tế tương lai và còn là những người sẽ tư vấn cho cộng đồng phòng tránh lây nhiễm và những hậu quả do virus viêm gan B gây ra. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên toàn bộ sinh viên bác sĩ đa khoa hệ chính quy đang học từ năm thứ nhất đến năm thứ 6 tại Phân hiệu Thanh Hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sinh viên đạt về kiến thức phòng lây nhiễm HBV chiếm 63,2%, không đạt chiếm 36,8%; Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới tính, năm học và tìm hiểu về bệnh với kiến thức về phòng lây nhiễm virus viêm gan B. Cần tăng cường tuyên truyền nhằm cung cấp, củng cố kiến thức và nhắc nhở sinh viên thực hành phòng lây nhiễm virus viêm gan B có hiệu quả.
Mục tiêu: Mô tả tác động của dịch COVID 19 tới sức khỏe tâm thần của Điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang sử dụng bộ đánh giá IES-Rvà DASS 21 trên 280 điều dưỡng đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2022. Kết quả: Có 28,9% điều dưỡng có dấu hiệu của rối loạn tâm lý sau sang chấn. Mức độ nhẹ với 9,8%, mức độ vừa là 9,3%. 12,9% có rối loạn mức độ nặng.. Điểm trung bình trong nhóm đối tượng là 22,4 ± 9,7 (Min: 11, Max: 44). Tỷ lệ có stress là 26,1%, lo âu là 35,4% và trầm cảm là 31,8%. Kết luận: Cần thực hiện tư vấn và can thiệp tâm lý kịp thời cho điều dưỡng để giảm bớt lo lắng và cải thiện sức khỏe tâm thần nói chung của họ.
Từ khóa:sức khỏe tâm thần, điều dưỡng, COVID 19.
Nghiên cứu được tiến hành tải Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 07/2021 đến tháng 06/2022 nhằm mô tả thực trạng và nhu cầu đào tạo liên tục về chuyên môn của điều dưỡng viên tại một số khoa hệ nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang. Số liệu được thu thập qua phỏng vấn trực tiếp với bộ công cụ là bộ câu hỏi được thiết kế sẵn trên Google form với 121 điều dưỡng viên tại các khoa hệ nhi: Ngoại nhi, Nội nhi, Truyền nhiễm, Sơ sinh, Cấp cứu. Số liệu sau khi thu thập được xử lý qua Excel và phân tích bằng phần mềm Stata 14. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong năm 2019-2020, 100% điều dưỡng hệ nhi của Bệnh viện được đào tạo liên tục về chuyên môn tại Bệnh viện; 17,36% tại các cơ sở tuyến Trung ương. Tuy nhiên, các lớp đào tạo liên tục về chuyên môn tại Bệnh viện chủ yếu đào tạo bằng hình thức lý thuyết không kết hợp thực hành. Các kỹ thuật Phụ giúp Bác sỹ nội soi dạ dày và Phụ giúp Bác sỹ nội soi đại tràng, Phụ giúp bác sỹ nội soi khí phế quản có tỷ lệ điều dưỡng có nhu cầu đào tạo ở mức độ ưu tiên cao cao. Có mối liên quan giữa yếu tố khoa công tác với nhu cầu đào tạo liên tục về chuyên môn của điều dưỡng hệ nhi. Đa số điều dưỡng đều muốn tham gia các khóa đào tạo liên tục được tổ chức tại Bệnh viện, thời gian tổ chức dưới 5 ngày, mỗi tiết kéo dài khoảng 2-4 tiếng, hình thức tổ chức lý thuyết kết hợp với thực hành và kinh phí 100% do Bệnh viện hỗ trợ. Các kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp thông tin và bằng chứng hữu ích cho bệnh viện trong xây dựng kế hoạch chiến lược đào tạo liên tục về chuyên môn phù hợp với điều dưỡng hệ nhi tại Bệnh viện trong các năm tiếp theo.
Mục tiêu:
1. Xác định tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV biết kết quả xét nghiệm dương tính và tiếp cận điều trị tại Hà Nội giai đoạn 2017- 2019.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến biết kết quả xét nghiệm dương tính và tiếp cận điều trị ART ở nhóm đối tượng trên.
Đối tượng nghiên cứu: Nam quan hệ tình dục đồng giới, tuổi lớn hơn hoặc bằng 16 tuổi, sống ở Hà Nội ít nhất 3 tháng, có kết quả xét nghiệm HIV dương tính tại thời điểm tham gia nghiên cứu, có quan hệ tình dục đồng giới trong 12 tháng qua.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang
- Chọn mẫu có chủ đích, cỡ mẫu 217
Kết quả nghiên cứu chính: 68,7% nam quan hệ tình dục nhiễm HIV có biết tình trạng nhiễm HIV, 31,3% không biết tình trạng nhiễm HIV của mình. 88,2% những người biết tình trạng nhiễm HIV đã tiếp cận điều trị ARV, 11,8% những người biết tình trạng nhiễm HIV nhưng chưa tiếp cận điều trị ARV. Từng xét nghiệm STIs là yếu tố liên quan đến biết kết quả nhiễm HIV với OR=2; 95%CI: [1,02-4,25], từng được chẩn đoán nhiễm STIs là yếu tố liên quan đến biết tình trạng nhiễm HIV với OR=3,8; 95%CI: [1,85-7,79].
Mục tiêu:
1, Mô tả cách ứng phó với stress trong học tập của sinh viên khoa Ngoại ngữ tại trường Đại học Thăng Long, thành phố Hà Nội năm học 2021- 2022
2, Phân tích một số yếu tố liên quan đến cách ứng phó với stress trong học tập của sinh viên khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thăng Long, thành phố Hà Nội năm học 2021- 2022
Đối tượng:
Sinh viên Đại học Ngoại ngữ, trường Đại học Thăng Long, năm học 2021 – 2022
Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang
Kết quả chính:
Các sinh viên chủ yếu sử dụng các chiến lược thuộc nhóm “Tiếp cận”, tuy nhiên vẫn có không ít sinh viên chọn cách ứng phó thuộc nhóm “Né tránh”. “Hỗ trợ xã hội” là nhóm được sử dụng ít nhất. Cần có các biện pháp hỗ trợ để các em sinh viên có thể từng bướ chuyển đổi từ áp dụng“Né tránh” sang “Hỗ trợ xã hội” và “Tiếp cận”.
Mục tiêu nghiên cứu:
Mục tiêu 1: Mô tả kiến thức, thái độ về kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản của sinh viên, học viên học tập tại bệnh viện Nhi Trung ương năm 2021 - 2022.
Mục tiêu 2: Mô tả một số yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ về kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản của sinh viên, học viên học tập tại bệnh viện Nhi Trung ương năm 2021 - 2022.
Đối tượng: 412 sinh viên (sinh viên y khoa, sinh viên điều dưỡng), học viên (bác sĩ, điều dưỡng) đến thực hành tại bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 02/2022 đến tháng 03/2022
Phương pháp nghiên cứu: dịch tễ học mô tả cắt ngang, nhằm mục đích đánh giá kiến thức, thái độ về kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản và các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ về kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản trên nhóm đối tượng học viên, sinh viên đến thực hành tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Tóm tắt kết quả: Tỷ lệ học viên, sinh viên có kiến thức tốt về kiểm soát nhiễm khuẩn chưa cao, chỉ chiếm 46,6%. Nhóm đối tượng đã được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn có điểm trung bình kiến thức cao hơn nhóm chưa được đào tạo là 1,5 điểm và thời gian đào tạo trong vòng 6 tháng trở lại đây thì điểm trung bình cao hơn nhóm đã đào tạo trên 6 tháng khoảng 0,9 điểm. Học viên có kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn tốt gấp 3 lần so với nhóm sinh viên. Trong nhóm học viên, đối tượng có kinh nghiệm làm việc dưới 5 năm lại có kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn so với nhóm có kinh nghiệm làm việc trên 5 năm, gấp 1,87 lần (95% CI 1,24 - 2,82).
Hiện nay có nhiều hệ thống đọc phim Xquang ngực tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ sàng lọc lao phổi đang được ứng dụng và phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam các nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Bằng việc tìm kiếm một cách hệ thống các nghiên cứu về hệ thống đọc phim Xquang ngực tự động trong sàng lọclao phổi dựa trên 2 cơ sở dữ liệu là MEDLINE và Cochrane chúng tôi đã tìm được 13 tài liệu để đưa vào phân tích. Trong số này chỉ có 3 hệ thống đạt mức độ nhạy và độ đặc hiệu theo khuyến cáo của TCYTTG (>90% và >70%) đó là: qXR, CAD4TB, INSIGHT CXR. Chúng tôi thực hiện đề tài nhằm mục tiêu nêu bật bức tranh tổng quan và giá trị của một số phần mềm ứng dụng AI trong đọc phim X quang ngực tự động hỗ trợ chẩn đoán lao phổi.
TÓM TẮT NGHIÊN CỨU
Trong những bệnh không truyền nhiễm, đái tháo đường là một bệnh nội tiết chuyển hóa thường gặp nhất và phổ biến nhất trên toàn cầu, là một trong 10 nguyên nhân gây ra gánh nặng tàn tật và tử vong lớn nhất trên toàn cầu.
Nghiên cứu: “Thực trạng tuân thủ điều trị và một số yếu tố liên quan ở cán bộ chiến sĩ Công an đã nghỉ hưu mắc đái tháo đường type 2 được điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an, năm 2021” được tiến hành với 2 mục tiêu: (1). Mô tả thực trạng tuân thủ đều trị ở cán bộ chiến sĩ Công an đã nghỉ hưu mắc đái tháo đường type 2 được điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an năm 2021; (2). Phân tích một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị ở cán bộ chiến sĩ Công an đã nghỉ hưu mắc đái tháo đường type 2 được điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an năm 2021. Đây là nghiên cứu cắt ngang có phân tích thực hiện trên 210 người bệnh là cán bộ chiến sĩ công an đã về hưu mắc đái tháo đường type 2 và đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện nhằm đánh giá mức độ tuân thủ điều trị và phân tích một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ tuân thủ được tất cả các khuyến cáo của Bộ y tế và của ADA về điều trị ĐTĐ type 2 là rất thấp chỉ đạt 10% và cụ thể như sau: Tuân thủ chế độ ăn theo khẩu phần cho NB ĐTĐ type 2: 79%; Tuân thủ rèn luyện thể lực: 63,3%; Tuân thủ điều trị thuốc: 78,1%; Tuân thủ thay đổi thói quen hạn chế bia/rượu; không hút thuốc: 63%; Tuân thủ tự theo dõi glucose máu tại nhà: 48,6%; Tuân thủ tái khám đúng lịch hẹn: 81%. Tuân thủ chế độ ăn liên quan có ý nghĩa thống kê với giới, học vấn, mức độ hài lòng về thái độ và trình độ của NVYT, NVYT hướng dẫn chế độ điều trị. Cụ thể: nữ có khả năng tuân thủ gấp 3,37 lần so với nam, trình độ học vấn trên THPT khả năng tuân thủ gấp 7,1 lần; không hài lòng về thái độ và trình độ của NVYT có xu hướng tuân thủ kém, chỉ bằng 0,44 lần; được NVYT hướng dẫn về chế độ điều trị thường xuyên tuân thủ chế độ ăn tốt hơn gấp 4,5 lần. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa đường huyết được kiểm soát với các loại tuân thủ điều trị: tuân thủ thuốc, tuân thủ tự theo dõi đường huyết tại nhà.
Từ kết quả trên, tác giả đưa ra một số khuyến nghị: đối với bệnh viện cần cải tiến quy trình khám bệnh, cần tăng cường nhân lực phòng khám nội tiết và đái tháo đường, cần có phòng tư vấn riêng và có nhân viên y tế giữ liên lạc với người bệnh; đối với cán bộ y tế tại phòng khám: cần chú trọng nâng cao kỹ năng mềm; đối với người bệnh và gia đình: người bệnh cần chủ động tìm hiểu những kiến thức về bệnh và chế độ điều trị ĐTĐ type 2, tự ý thức mình trong việc tuân thủ điều trị ĐTĐ.
Mục tiêu: 1) Xác định tỷ lệ thừa cân (TC), béo phì (BP) ở học sinh lớp 5 trường tiểu học Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương năm 2021. 2) Mô tả kiến thức về TC, BP ở học sinh lớp 5 trường tiểu học Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương năm 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Học sinh lớp 5 tại trường tiểu học Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Chỉ số BMI trung bình của trẻ nam và trẻ nữ lần lượt là 19,0 ± 4,7 kg/m2 và 19,2 ± 3,9 kg/m2, tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì là 27,2%. Tỷ lệ trẻ có kiến thức về khái niệm thừa cân, béo phì tốt đạt là 59,6%, tỷ lệ trẻ có kiến thức về nguyên nhân thừa cân, béo phì tốt đạt là 57,2%, tỷ lệ trẻ có kiến thức về tác hại của thừa cân, béo phì tốt đạt là 58,0%, tỷ lệ trẻ có kiến thức về cách phòng chống thừa cân, béo phì tốt đạt là 57,6%. Kết luận: Nguy cơ thừa cân, béo phì tăng gấp 9,5 lần (95%CI: 4,73-19,03) ở trẻ có kiến thức chung về thừa cân, béo phì chưa tốt. Việc giáo dục cho trẻ có được kiến thức cơ bản tốt để có được nhận thức và hành vi đúng đắn nhằm mục đích phòng chống thừa cân, béo phì là vô cùng cần thiết.
|